Lượt xem: 3148

Những người tù chính trị từ Côn Đảo trở về

Côn Đảo từ lâu đã trở thành dải đất thân thiết, thiêng liêng, nơi ngưỡng mộ và tưởng nhớ của những người cách mạng và của Nhân dân cả nước. Năm nay, kỷ niệm 75 năm (23/9/1945 - 23/9/2020) Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Sóc Trăng vinh dự và tự hào đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về đất liền sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

    Trong chặng đường chống thực dân, đế quốc để giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhà tù Côn Đảo luôn luôn phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta qua các giai đoạn. Đây là nơi địch giam cầm những chiến sỹ cách mạng mà chúng cho là nguy hiểm nhất ở khắp các miền của Tổ quốc Việt Nam. Và cũng chính vì thế, ngay sau khi giành được chính quyền Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập cuộc họp ngay trong đêm 25/8/1945 để bàn việc tổ chức chính quyền cách mạng. Quyết định đầu tiên của Xứ ủy là phải lập tức giải phóng nhà tù Côn Đảo và tổ chức đón các chiến sĩ cách mạng ở Côn Đảo trở về. Ngay hôm sau, một Ủy ban ủng hộ chính trị phạm được thành lập tại trụ sở Báo Dân chúng.


Ông Tưởng Dân Bảo, một trong những người gom tiền thuê tàu ghe đưa đồng đội từ Côn Đảo về - Ảnh Tư liệu gia đình

    Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban hành chính Nam bộ và sự giúp đỡ tận tình của chính quyền cách mạng tỉnh Gò Công, Ủy ban ủng hộ chính trị phạm đã huy động được tàu Phú Quốc cùng 32 chiếc ghe bầu chuyên đi biển. Ngoài ra còn huy động được 2 chiếc tàu kéo để đưa đoàn ghe về địa điểm tập kết tại cửa biển Đại Ngãi (Sóc Trăng). Tại Sóc Trăng cũng vận động được một số tàu của tư nhân chạy chuyến Sóc Trăng - Nam Vang và một số tàu của nhân dân quận Long Phú, Vĩnh Châu…

    Được sự hướng dẫn của ngư dân đánh cá vùng biển Sóc Trăng, 5 giờ sáng ngày 16/9/1945, đoàn tàu nhổ neo, căng buồm ra Côn Đảo. Đến 19 giờ cùng ngày những chiếc tàu đi đầu đã cập bãi Cỏ Ống, Côn Đảo. Và sáng hôm sau đoàn tàu đến Côn Đảo đầy đủ sẵn sàng đón rước 1.800 người chiến sỹ bị giam cầm ở Côn Đảo trở về đất liền. Chiều ngày 17/9/1945, cuộc mittinh chính thức được tổ chức trọng thể tại sân banh Côn Đảo. Đồng chí Tưởng Dân Bảo đọc quyết định của Ủy ban hành chính Nam bộ về việc đón chính trị phạm Côn Đảo và tuyên bố: Từ giờ phút này, Côn Đảo là một mảnh đất hoàn toàn tự do và độc lập. Một loạt súng nổ vang cùng những tiếng hò reo như sấm rền trên Côn Đảo giải phóng.

    Trong giây phút thiêng liêng của tự do và độc lập, mọi người ngậm ngùi tưởng nhớ đến hàng ngàn người con ưu tú đã hy sinh trong những năm tháng khủng bố ác liệt của kẻ thù. Anh em tù chính trị chia nhau đi viếng mộ và tạc bia đồng chí của mình. Bởi vì gió cát đã xóa đi dấu vết riêng biệt của từng ngôi mộ. Hàng ngàn nấm mộ chỉ còn là những mộ cát nhấp nhô. Nhiều gò cát, bị mưa gió làm xối lở để lộ ra từng mảnh xương trắng xám. Không ai cầm được nước mắt khi đứng trước hàng ngàn nấm mộ vô danh của nhiều thế hệ, giữa một vùng cát vàng, xương trắng mênh mông!


Nhà tù Côn Đảo

    Rạng sáng ngày 23/9/1945 tàu Phú Quốc cùng đoàn tàu đã nhổ neo đưa 1.800 tù chính trị trở về đất liền. Đến chiều cùng ngày (23/9/1945) tàu Phú Quốc và những chiếc ghe đầu tiên cập bến Đại Ngãi (Sóc Trăng) trong sự đón tiếp nồng nhiệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sóc Trăng. Chiếc ca nô giải phóng sau nhiều lần trục trặc trên biển đã được Bác Tôn Đức Thắng điều khiển chạy vào cửa biển Mỹ Thanh. Đồng bào ở các cửa biển được chính quyền cách mạng thông báo trước đã căng cờ, khẩu hiệu đón đoàn tù chính trị từ nhiều ngày.

    Theo hồi ký của Nguyễn Hùng Minh (người tù chính trị từ Côn Đảo trở về) thì: “Sóc Trăng, Cần Thơ đã tổ chức nơi ăn, nơi nghỉ, nơi học tập… cho chúng tôi hết sức chu đáo, đầy đủ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con cô bác, anh chị em thanh niên, phụ nữ.v.v… cả hai tỉnh này đã chăm sóc chúng tôi giống hệt như người ruột thịt trong gia đình mình. Cái ân cần ấy của Sóc Trăng, Cần Thơ đối với chúng tôi là vô giá. Suốt đời chúng tôi luôn luôn ghi nhớ và mong đền đáp”.

    Đoàn tù chính trị từ Côn Đảo về Sóc Trăng, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Sóc Trăng đón tiếp là một sự kiện lịch sử đặc biệt, là một vinh dự lớn có tác động về mặt chính trị, tư tưởng cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân về lòng yêu nước và sự hy sinh vô bờ bến của những chiến sỹ cách mạng trung kiên. Nhờ điều đó, mà khi giặc Pháp tái chiếm thì ở Sóc Trăng, Cần Thơ hầu như tất cả trí thức, viên chức, học sinh, thanh niên, công nhân, người buôn bán lớn, nhỏ đều rút ra vùng kháng chiến, hoạt động cách mạng. Quyết không theo giặc.


Tranh sơn dầu tái hiện cảnh Nhân dân Sóc Trăng đón các chiến sĩ về từ Côn Đảo năm 1945. Ảnh tư liệu

    Sự kiện đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về cập bến Sóc Trăng, Cần Thơ đã in sâu vào trí nhớ, vào tình cảm, hòa quyện vào niềm tin Đảng, tin chế độ của hàng chục triệu bà con, cô bác, đồng bào, đồng chí các dân tộc khắp miền Tây, miền Đông Nam bộ… Hơn thế, còn tỏa rộng suốt từ Bắc chí Nam. Cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc Việt Nam ai ai cũng ngưỡng mộ, yêu mến những chiến sĩ bị giam cầm nơi “địa ngục trần gian” Côn Đảo - những con người suốt đời tận tụy với dân, với Đảng.

Lê Trúc Vinh



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 10399
  • Trong tuần: 78,704
  • Tất cả: 11,851,496